Thiết bị điện tử cá nhân thống trị thế giới

Published by Việt Coding on

Tron Legacy, bộ phim 3D sẽ ra mắt vào tháng 12.2010 dự định sẽ là một “quả bom” nữa trong ngành giải trí 3D – Ảnh: Disney
(TNTS) Trong vòng 10 năm qua, máy vi tính và điện thoại di động phát triển với tốc độ chóng mặt, nhiều phát minh, tái phát minh hay thậm chí các khái niệm mới về công nghệ ra đời. Nhờ vậy mà công nghệ giải trí được đẩy mạnh, nâng cao nhu cầu giải trí tại gia.

Điện thoại di động và iPhone

Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, chiếc ĐTDĐ có lẽ là ước mơ của nhiều người. Chiếc di động ngày ấy to, thô kệch, không nhiều tính năng, chủ yếu để gọi và nhắn tin. Thời gian đó, những thiết bị di động nhỏ gọn, có màn hình màu với nhiều chức năng tuyệt đỉnh có thể chỉ có trong các bộ phim giả tưởng hay truyện… Đôrêmon. Đến năm 2002, ĐTDĐ của Nokia hay Samsung có màn hình màu ra đời. Thậm chí có ĐTDĐ đã có thể chụp ảnh nhưng chất lượng còn kém. Cũng nhờ vào các chức năng này, tin nhắn đa phương tiện ra đời, cho phép người sử dụng gửi các tin nhắn kèm hình ảnh, âm thanh và video. Mẫu mã ĐTDĐ được thiết kế gọn hơn. Thời gian về sau, chất lượng chụp ảnh, quay phim được cải tiến. Một số loại đã có màn hình cảm ứng điện trở. Các loại PDA dùng hệ điều hành Windows Mobile bắt đầu phổ biến. Khi ấy, cầm PDA có bút để “chọc” vào màn hình được coi là “sang trọng” và sành điệu.

Đến năm 2007, Apple cho ra đời iPhone, thiết bị mà họ gọi là sự tái phát minh ra điện thoại. Quả đúng như vậy, iPhone với màn hình cảm ứng điện dung đa điểm chạm đã thay đổi toàn bộ mọi khái niệm trước đó về tương tác với thông tin. Đó là một quả bom tấn trong ngành công nghệ. Nhiều hãng về sau cho ra đời những thiết bị có chức năng hay hình dáng tương tự với iPhone. So với thời gian đầu, iPhone 3GS hiện nay phát triển với tốc độ cao, bao gồm nhiều ứng dụng tuyệt vời kèm theo nó.

Máy vi tính và netbook

Cũng như điện thoại, máy vi tính và máy tính xách tay trong những năm đầu thế kỷ 21 khá nặng nề, thô kệch. Tốc độ của máy tính xách tay thì luôn phải ghen tị với máy tính để bàn. Tuy nhiên, công nghệ phát triển đã cho ra đời ổ cứng, các thiết bị vi mạch, bộ vi xử lý nhỏ hơn, do đó mà máy vi tính xách tay và cả máy tính để bàn có thể giảm kích thước khiến chúng nhỏ gọn hơn, cấu hình cao hơn. Những tưởng máy tính xách tay chỉ dừng lại ở việc nâng cao cấu hình, đến năm 2008, ASUS cho ra chiếc netbook đầu tiên, bắn phát súng khai cuộc cho dòng máy tính này, đẩy lùi dòng máy tính siêu di động (UMPC) đầy bất tiện. Hàng loạt mẫu netbook ra đời ồ ạt khiến ranh giới giữa netbook và laptop gần như bị xóa nhòa. Giờ đây, nhiều loại netbook ra đời có chức năng, cấu hình không thua kém gì laptop cả.

Apple cũng cho ra đời máy tính xách tay siêu mỏng MacBook Air, gây tiếng vang nhưng chưa đủ làm nên cuộc cách mạng như netbook. Trong những năm cuối thập niên này, hệ điều hành Mac của Apple đang lấn lướt hệ điều hành Windows của Microsoft với nhiều bất cập và sự nặng nề của nó. Nhưng Microsoft kịp cho ra Windows 7 để lấy lại danh dự sau khi Windows Vista gặp nhiều chỉ trích, nhưng không vì thế mà Mac OS mất đi danh tiếng.

Phim độ phân giải cao và phim 3D

Cách mạng về phim ảnh đã đến với nhân loại vào tháng cuối cùng của năm 2009 khi bộ phim Avatar ra mắt với phiên bản 3D. Không phải đến khi Avatar 3D ra mắt, người ta mới quan tâm đến phim nổi. Từ đầu năm 2009 đến nay, hàng loạt bộ phim 3D được ra đời với tần suất trung bình mỗi tháng 1 phim. So với thời gian trước đó, nhất là đầu thế kỷ 21, khi phim 3D còn khá lạ lẫm với nhiều người, thì hiện nay, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp giải trí 3D đã vượt qua những gì mà người ta có thể tưởng tượng. Nhờ vậy, mà nhu cầu giải trí 3D tăng lên, đa dạng hơn. Các loại ti vi để xem phim 3D tại nhà bắt đầu xuất hiện, người ta đang tính phát triển thêm các chương trình truyền hình 3D, game 3D, quảng cáo 3D…

Trong thời đại hiện nay, hầu như không có phát minh nào tồi, chỉ có phát minh chưa làm thỏa mãn đam mê và tham vọng của nhân loại mà thôi.

Travip


Việt Coding

Là một người đam mê lập trình, tôi vọc vạch đủ thứ liên quan đến lập trình cho thoả chí tò mò. Hiện làm chủ yếu ở mảng phát triển ứng dụng di động cho iOS và Android với React Native. Thỉnh thoảng vọc vạch mấy thứ liên quan đến Internet of Things như Smart Home. Đang nghịch mấy con Raspberry Pi và thấy nó cũng thú vị :)

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published. Required fields are marked *