Quay lưng với tư vấn diệt virus máy tính của Bkis
– Sử dụng BKAV Pro trong nhiều năm nhưng gần đây do thất vọng với tư vấn của chuyên gia Bkis, anh Thành đã gỡ bỏ phần mềm BKAV Pro khỏi máy tính và từ chối lời mời trực tiếp đến phòng thí nghiệm để kiểm chứng.
Bkis tư vấn sai?
“Bkis tư vấn diệt virus thật là tồi tệ!”. Đó là tiêu đề email mà anh Bùi Minh Thành (Hải Dương) gửi tới VietNamNet:
“Tôi là một tín đồ sử dụng BKAV, và nhận ra mình sai lầm. Bkis đã tự quảng bá mình rất nhiều nhưng thực chất phần mềm BKAV chỉ cải thiện về số lượng virus được cập nhật, chứ chức năng diệt thì quá kém, khả năng phát hiện virus không có hiệu quả. Kể cả bản BKAV Pro cũng chỉ hơn được chức năng Update còn sức mạnh không hơn được gì bản BKAV Home là bao.
Ảnh minh họa: Internet. |
Tôi đã thử nghiệm với virus W32.Polip.A. BKAV Pro hầu như không nhận ra virus, nhưng sau khi cài phần mềm Kaspersky hoặc Bitdefender thì không cần dùng đến chức năng SCAN, cũng bắt luôn được virus trong máy!
Vừa rồi máy của bạn tôi bị hiện tượng 100% CPU Usage khi khởi động khoảng 10 phút hoặc click vào các ổ. Tôi dùng phần mềm BKAV bản mới nhất quét virus nhưng chẳng thu được gì. Cuối cùng dùng CMC, phát hiện một phần mềm gián điệp quái ác nằm trong các ổ.
Khi tôi gọi điện nhờ Bkis tư vấn, Bkis lại khuyên gỡ bỏ Kaspersky do “xung đột phần mềm” với BKAV. Tôi cài cả hai phần mềm dùng mấy năm chẳng thấy xung đột gì cả. Không biết có phải là nhân viên của Bkis ít kiến thức nên mới tư vấn vậy hay là một kiểu quảng cáo không công bằng?”.
Không cài chung các phần mềm diệt virus
Theo trả lời của Bkis, dòng virus W32.Polip.A là dòng virus lây file đa hình có rất nhiều các biến thể con khác nhau. “Không rõ biến thể mà bạn đọc đang đề cập ở đây là biến thể nào và để làm sáng tỏ vấn đề này, chỉ có thể thực hiện các việc kiểm nghiệm thực tế” – Bkis cho biết.
Phần mềm gián điệp là một khái niệm chung và còn được gọi là Spyware. Hiện trên thế giới có khoảng 13.671 dòng Spyware với hàng triệu mẫu biến thể khác nhau. Để có thể biết được phần mềm gián điệp mà bạn độc giả muốn đề cập đến là phần mềm nào thì cần biết tên của nó và làm các thí nghiệm thực tế, qua đó mới có thể xác minh được sự việc.
Các phần mềm diệt virus thường xung đột với nhau (hầu như tất cả các phần mềm diệt virus đều như vậy) trong trường hợp người sử dụng cài đặt chung các phần mềm diệt virus trên cùng một máy tính. Và nếu bạn để ý sẽ thấy tất cả các nhà sản xuất phần mềm diệt virus trên thế giới đều có khuyến cáo người sử dụng không được cài chung với phần mềm diệt virus khác. Hoặc nếu cài chung thì các phần mềm diệt virus đều yêu cầu gỡ bỏ phần mềm diệt virus khác đang chạy trên máy đó”.
Dùng nhiều phần mềm antivirus, đặt thêm firewall
Bảo vệ máy tính hiệu quả: dùng song song nhiều phần mềm antivirus và cài đặt firewall. Ảnh: PV |
Theo anh D.B. và anh T.V.B., IT của hai công ty lớn, không phải phần mềm diệt virus nào cũng hoàn hảo, có thể nhận biết tất cả các biến thể virus. Kể cả những phần mềm bạn đọc kể ra cũng chỉ tối ưu với mỗi dòng virus khác nhau. Để bảo vệ máy tính hiệu quả, nên sử dụng nhiều phần mềm antivirus và đặt thêm firewall.
Thế mạnh của BKAV là quét bề mặt của hệ điều hành và diệt các trojan trong nước (vượt trội hơn so với các phần mềm antivirus nước ngoài) chẳng hạn như các loại trojan lây qua yahoo chat.
Dòng virus W32.Polip.A là dòng có thể ăn sâu vào hệ thống của Windows và có rất nhiều biến thể. Và tất nhiên, không một phần mềm diệt virus nào có thể nhận biết tất cả các biến thể của một chủng loại virus vì chúng luôn luôn biến đổi. Đối với các biến thể lạ phát hiện được, người dùng có thể gửi phản hồi lại cho trung tâm Bkis để Bkis có thể cập nhật được biến thể mới nhất này vào phiên bản BKAV giúp nâng cao hiệu quả diệt virus.
Trên thực tế, chỉ những phần mềm khi cài đặt ăn sâu vào hệ thống (system) mới có khả năng gây xung đột, làm chậm tiến trình xử lý của hệ điều hành. VD: Kaspersky và Symantec, Kaspersky và D32 hoặc D32 và Symantec; CMC và Symantec… BKAV và những phần mềm nêu trên đều có thể chạy song song được và có thể hỗ trợ cho nhau.
-
HM
0 Comments