“Cha đẻ” của 10 công nghệ nổi tiếng

Published by Việt Coding on

            

"Cha đẻ" của 10 công nghệ nổi tiếng

TTO – Họ là những người phát minh ra một sản phẩm hay khởi đầu cho một xu hướng công nghệ. Họ là những người đã tạo tiền đề cho công nghệ phát triển như ngày nay.

Marty Cooper – cha đẻ của điện thoại di động

Ông là người đầu tiên sáng lập hệ thống điện thoại radio vào năm 1973 khi đang làm việc tại Motorola và là người đầu tiên thực hiện cuộc gọi qua thiết bị này. Ông cho biết cảm hứng để chế tạo sản phẩm này chính là từ cuộc nói chuyện trên một chiếc điện thoại. Hiện ông là giám đốc điều hành cũng như là nhà sáng lập ra ArrayComm. 

Mike Lazaridis – cha đẻ của BlackBerry

Sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến năm 5 tuổi, ông theo chân cha mẹ sang Canada sinh sống. Ở tuổi 12, ông đoạt được một giải thưởng dành cho các độc giả sách khoa học trong thư viện của trường đang học. Đến năm 1984, ông bỏ học thành lập Công ty Research in Motion (RIM) và phát triển điện thoại kiêm thiết bị e-mail BlackBerry. Năm 2000, ông đầu tư 100 triệu USD dành riêng cho các nghiên cứu lý thuyết về vật lý.

Tony Fadell – cha đẻ của iPod

Ông bắt đầu công việc của mình là một nhà tư vấn bên ngoài của Apple, sau đó trở thành thành viên đầu tiên trong đội ngũ kỹ thuật viên phần cứng của Apple iPod vào năm 2001. Cho đến nay ông đã trở thành nhân viên cao cấp của iPod Division.

John Backus – cha đẻ của ngôn ngữ Fortran

Cựu nhân viên của IBM này đã sáng lập ngôn ngữ lập trình Fortran (Formula Translator) vào những năm 1950, đây được xem là ngôn ngữ lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới. Ông đã qua đời vào năm ngoái ở tuổi 82.

Jack Nilles – cha đẻ của telecommuting

Thuật ngữ telecommuting (làm việc từ xa) được Jack Nilles nêu ra vào năm 1970 khi ông đang làm việc tại Đại học miền Nam California để phát triển dự án giúp nhân viên không còn phải hối hả trong giờ cao điểm mà có thể làm việc tại nhà qua các phương tiện viễn thông. Ông từng thiết kế phương tiện và hệ thống liên lạc cho lực lượng không quân Mỹ và NASA.

Doug Engelbart – cha đẻ của chuột máy tính

Ông là người cho ra mắt chuột máy tính đầu tiên vào năm 1964 với vỏ bọc bằng gỗ, nhưng mãi đến năm 1970 ông mới được cấp bằng sáng chế và bằng này hết hạn vào năm 1987 trước khi cuộc cách mạng về máy tính cá nhân bắt đầu nở rộ. Vào năm 1969, ông chuyển sang làm việc tại phòng thí nghiệm của Stanford. Đến nay ông đã bước sang tuổi 83 và đang là người đứng đầu của Viện Bootstrap.

Gary Thuerk – cha đẻ của Spam

Vào năm 1978, ông là người đầu tiên gửi hàng trăm thư rác (hay còn gọi là spam) đến hòm mail của mạng ARPANET. Động thái này của ông đã bị nhiều người chỉ trích. Thế nhưng ông tuyên bố: “Tôi là người đầu tiên làm ra điều đó và tôi tự hào về nó”.

Đến nay spam được xem là mối đe dọa rất lớn đối với người sử dụng email khi 80-90% trong số email là thư rác và dường như không ai biết được nó đến từ đâu cũng như làm thế nào để có thể chặn nó.

John Cioffi – cha đẻ của DSL

Vị giáo sư tại Đại học Stanford này là người đầu tiên triển khai công nghệ Digital Subscriber Line (gọi tắt là DSL) sử dụng đường dây dẫn bằng đồng truyền dữ liệu trên băng thông rộng.

James Gosling – cha đẻ của Java

Ông được sinh ra tại Canada và là người đầu tiên viết ra nền tảng UNIX. Tại Sun, ông được ghi nhận là người đầu tiên sáng lập các ngôn ngữ lập trình Java vào năm 1991.

Vic Hayes – cha đẻ của WiFi

Ông là một kỹ sư điện được sinh ra tại Hà Lan với công việc đầu tiên là ở NCR Corp và sau đó là Agere. Ông đứng đầu nhóm phát triển mạng LAN không dây IEEE 802.11 và giúp mạng WiFi thành công như hôm nay. Hiện nay ông đang làm ủy viên cao cấp của Trường đại học Công nghệ Delft, Hà Lan.

QUỐC TRUNG (Theo PC World)

        


Việt Coding

Là một người đam mê lập trình, tôi vọc vạch đủ thứ liên quan đến lập trình cho thoả chí tò mò. Hiện làm chủ yếu ở mảng phát triển ứng dụng di động cho iOS và Android với React Native. Thỉnh thoảng vọc vạch mấy thứ liên quan đến Internet of Things như Smart Home. Đang nghịch mấy con Raspberry Pi và thấy nó cũng thú vị :)

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published. Required fields are marked *