10 phim hay nhất thập niên

Published by Việt Coding on

TTO – Dưới đây là những bộ phim mà tờ Hollywood Reporter đánh giá có ảnh hưởng lớn và thật sự làm thay đổi con người trong thập niên vừa qua.

1. Letters from Iwo Jima 

Poster phim Letters from Iwo Jima – Ảnh: Impaward

Mở đầu Letters from Iwo Jima, khán giả có thể liên tưởng đến 20 phút đầu phim Saving Private Ryan của đạo diễn kỳ cựu Spielberg. Đạo diễn Clint Eastwood đã kể cho chúng ta nghe về cuộc đời của tướng Tadamichi Kuribayashi, tổng chỉ huy lính Nhật trong cuộc chiến Iwo Jima. Bộ phim đã khắc họa thành công sự trải nghiệm của những người lính bị màn sương chiến tranh bao phủ, ghê rợn, kinh tởm, điếng người trước cỗ máy thần chết.

Trong các tác phẩm của Eastwood, dũng cảm và hèn nhát luôn tồn tại song song. Và ông luôn nhường lời kết, lời nhận định về phía khán giả và các nhà sử học.

2. United 93

Một cảnh tượng đau thương, căm phẫn khi niềm hi vọng tàn lụi dần của những con người bất hạnh trong chuyến bay thảm họa ngày 11-9 đã được tái hiện qua United 93. Đạo diễn Paul Greengrass khiến người xem như được chứng kiến tận mắt chuyến bay cũng như thấu hiểu được khoảnh khắc giữa nỗi thất vọng tràn trề và lòng quyết tâm mãnh liệt.

Đây cũng là bộ phim duy nhất trong thập niên cho thấy được sự thay đổi của thế giới. Mỗi ngày, mỗi phút trôi qua lại có cuộc đối đầu không hồi kết giữa tôn giáo và chính trị. 

3. No country for old men

Rất nhiều bộ phim trong thập niên có một cái nhìn nặng nề đối với nạn bạo lực ở Mỹ, một trong số đó là bộ phim nhuốm màu máu, súng và ma túy No country for old men của anh em nhà đạo diễn Coen. No country for old men là phim gây sửng sốt với những nhân vật được khắc họa cùng với những tội ác ngấm sâu vào da thịt như một thứ dịch bệnh. 

4. The fog of war

Nhờ vào bộ phim tài liệu The fog of war của Errol Morris, cái nhìn về Robert Strange McNamara – cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ đồng thời là kiến trúc sư trong chiến tranh Việt Nam, đã có một số thay đổi. 

Bộ phim ghi lại hơn 20 giờ phỏng vấn với người đàn ông 85 tuổi Robert Strange McNamara và không có âm thanh nào khác. Chân dung của ông hiện lên thật kinh ngạc, càng ngạc nhiên hơn nữa khi ông thú nhận mình cùng với tướng Curtis LeMay chính là tội đồ chiến tranh vì đã chỉ đạo vụ ném bom ở Tokyo và 67 thành phố khác của Nhật Bản khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II.

McNamara cho biết chính mình là người đã thúc giục tổng thống Johnson rút quân khỏi Việt Nam để nhanh chóng thoát khỏi vũng lầy chiến tranh này. Về cuối đời, do những ám ảnh từ cuộc chiến tranh Việt Nam, ông McNamara lo sợ việc Mỹ sa lầy tại Iraq và có thể phạm sai lầm ghê gớm như trong cuộc chiến tranh Việt Nam – cuộc chiến mà ông McNamara xem là một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông và của nước Mỹ trong thế kỷ 20. [separator]

5. 4 months, 3 weeks and 2 days

Diễn viên Anamaria Marinca với vai Otilia trong phim 4 months, 3 weeks and 2 days – Ảnh: IMDB

Tìm về những con hẻm lụp xụp, nhà sản xuất phim người Rumani Cristian Mungiu đã miêu tả rõ nét một xã hội chuyên chế, đê tiện và tàn bạo dưới cái nhìn ảm đạm trong 4 months, 3 weeks and 2 days. Đây không phải là bộ phim phản ánh các trại tập trung hay sự đàn áp tàn ác mà thể hiện sự lãnh đạm của xã hội trước số phận của con người.

Không còn chút đồng cảm đối với hai người phụ nữ trẻ bất hạnh, đang cố tìm cách giải quyết một bào thai không mong đợi, bộ phim đã lên án bộ mặt lộ liễu của thể chế xã hội trong những tháng ngày đen tối trong quá khứ ở Romania. 

6. Far from heaven

Julianne Moore và Dennis Haysbert trong phim Far from heaven – Ảnh: IMDB

Có rất nhiều điều ẩn chứa trong Far from heaven của Todd Haynes. Phim đã thoát ly hoàn toàn so với những bộ phim theo định hướng nghệ thuật điện ảnh những năm 1950. Phim của ông đào sâu vào bộ mặt của xã hội, để thấy được những điều gì là cấm kỵ: từ tình yêu đồng tính thầm kín không dám nói cho đến sự kỳ thị chủng tộc.

7. Divine intervention

Năm 2002, Divine intervention đã bị phản đối vì Palestine lúc đó không được thừa nhận như là một quốc gia. Nhưng Viện hàn lâm Điện ảnh và khoa học Hoa Kỳ đã có một ngoại lệ vào năm 2002 khi đưa phim này tranh giải ở hạng mục phim nước ngoài hay nhất. Đây là một bộ phim phá cách, sử dụng một loại vũ khí mạnh mẽ – tiếng cười –  để miêu tả mối quan hệ giữa người Do Thái và người Ả Rập trong thời gian Palestine bị chiếm đóng.

Đạo diễn Elia Suleiman đã chỉ ra công lý, phơi bày ra ánh sáng sự áp đặt của những kẻ chiếm đóng lên những cư dân vùng đất này. Hầu hết những tình tiết hài hước xảy ra ở những khoảnh khắc nhỏ thường nhật: cái nhìn dè chừng giữa những con người thù địch hoặc những nhân vật chỉ biết ngồi bất lực trong xe ở trạm kiểm soát. Chẳng cần ai phải nói điều gì vì những hình ảnh đã nói lên tất cả câu chuyện.

8. Caché

Caché lại là một bí ẩn ở Pháp. Gia đình của Georges (Daniel Auteuil), Anne (Juliette Binoche) và con trai Pierrot (Lester Makedonsky) bỗng nhận được cuộn băng ghi hình kèm với những hình vẽ cho thấy ai đó đã theo dõi ngôi nhà… 

Bộ phim thuộc thể loại trinh thám, dựa trên tác phẩm Rear window của Hitchcock. Giống như bộ phim The white ribbon của ông, Haneke chẳng hề mảy may quan tâm đến việc giải thích những bí ẩn trong phim. Ông quan tâm nhiều hơn đến vấn đề phân biệt chủng tộc.

9. The diving bell and the butterfly

Một cơn đột quỵ đã khiến chủ bút người Pháp của tờ tạp chí Elle hào hoa Jean-Dominique Bauby bị liệt và chỉ còn một con mắt trái có thể dùng để giao tiếp. Câu chuyện đã trở thành một minh chứng hùng hồn nhất về ý chí sinh tồn của con người. Bộ phim càng sinh động hơn với những hình ảnh bị mờ và rung, được ghi lại từ những gì nhân vật nhìn thấy trên chiếc giường và xe lăn, cũng như trong ký ức và trí tưởng tượng của mình.

Bộ phim còn thành công hơn khi cho khán giả thấy được Bauby viết nhật ký từng chữ từng chữ một như thế nào, cảm nhận được cơn giận giữ, cơn đói, sự ham muốn, óc hài hước ở một người họ biết trước bệnh tình của mình không thể nào thuyên giảm. Diễn xuất của Mathieu Amalric khiến người xem cảm động đến mức không thể rời mắt khỏi màn hình. 

10. The white ribbon

Một cảnh trong phim The white ribbon – Ảnh: IMDB

Một lần nữa Michael Haneke lại có mặt trong danh sách này. Lấy bối cảnh ở Đức, bộ phim The white ribbon của đạo diễn người Áo Michael Haneke xoay quanh những đứa trẻ trong một ngôi làng nhỏ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ở đó vẫn duy trì một trật tự thứ bậc nghiêm ngặt, mọi người chỉ quan tâm đến vị trí của mình và không hề biết đến “nhân đạo”.

Cũng giống như bộ phim Caché của Michael Haneke, bao trùm bộ phim The white ribbon là những bí ẩn liên hoàn. Trẻ em lớn lên chứng kiến và ám ảnh về những điều tồi tệ của người lớn, mà cả đạo diễn cũng không thể lý giải được những điều tồi tệ đó sẽ dẫn bọn trẻ đến đâu…

 N.I.P. (Theo Hollywood Reporter)


Việt Coding

Là một người đam mê lập trình, tôi vọc vạch đủ thứ liên quan đến lập trình cho thoả chí tò mò. Hiện làm chủ yếu ở mảng phát triển ứng dụng di động cho iOS và Android với React Native. Thỉnh thoảng vọc vạch mấy thứ liên quan đến Internet of Things như Smart Home. Đang nghịch mấy con Raspberry Pi và thấy nó cũng thú vị :)

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published. Required fields are marked *